Các nhân tố cấu thành sức mạnh tổng hợp quốc gia Sức mạnh tổng hợp quốc gia

Lãnh thổ

  • Vị trí địa lý: là yếu tố trọng yếu của địa chính trị gồm các khía cạnh chính là vị trí địa lý tự nhiên, vị trí địa lý giao thông, vị trí địa lý quốc phòng. Vị trí địa lý, đặc biệt là vị trí giao thông và vị trí quốc phòng có ý nghĩa xác định tầm quan trọng của một quốc gia trong quan hệ với các nước khác và giữa các nước khác với nhau, đặc biệt là giữa các cường quốc.
  • Diện tích lãnh thổ là yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, quốc phòng, diện tích càng lớn thì nhìn chung càng có điều kiện để phát triển kinh tế, thực hiện các giải pháp đa dạng trong quốc phòng. Đương nhiên diện tích lãnh thổ phải tính đến các điều kiện về khí hậu, tài nguyên thiên nhiên.
  • Địa hình, địa mạo cũng tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho phát triển kinh tế hoặc tổ chức quốc phòng (địa hình đồi núi hay bình nguyên, sa mạc, có biển hay không có biển...).Nước nào kiểm soát được biển thì nước đó sẽ kiểm soát được tất cả

Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng trọng yếu và lâu dài đối với một quốc gia, nó bao gồm đất đai, khoáng sản, rừng, biển, nguồn nước, nguồn năng lượng tự nhiên. Tài nguyên thiên nhiên đã và đang là trung tâm của những cuộc tranh giành, thậm chí xung đột giữa các quốc gia đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt; khoáng sản kim loại; nước và những nguyên tố hiếm phục vụ kỹ thuật, quốc phòng. Do tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên vốn đang bị cạn kiệt mà nhiều lãnh thổ trước đây vốn ít được quan tâm như Bắc Cực, Nam Cực gần đây đã trở thành trung tâm chú ý của các quốc gia.

Dân số

  • Số lượng nhân khẩu: là nhân tố sản xuất cũng như cấu thành tầm quan trọng của một quốc gia, các quốc gia đông dân đều gây được sự chú ý trong quan hệ quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dân số phải đạt đến một mức nhất định mới có thể đảm bảo cho sự phát triển an toàn, bền vững của quốc gia.
  • Chất lượng và cấu trúc dân số: chất lượng dân số là nhân tố đảm bảo cho số lượng nhân khẩu phát huy tác dụng. Chất lượng dân số là tố chất công dân, trình độ giáo dục, tình trạng sức khỏe, nền tảng đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, quân sự... và tinh thần dân tộc. Cấu trúc dân số là các khía cạnh về giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, tôn giáo. Cấu trúc dân số hợp lý, thuần nhất sẽ tạo thuận lợi cho quốc gia phát huy sức mạnh tổng hợp.

Kinh tế

Thực lực kinh tế được coi là yếu tố cấu thành cơ bản của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ảnh hưởng của kinh tế đến sức mạnh tổng hợp quốc gia được xem xét trên hai yếu tố chính là quy mô kinh tế (GDP) và cơ cấu kinh tế.

  • Kinh tế hậu thuẫn cho xây dựng nền quốc phòng: quyết định quy mô và trang bị kỹ thuật, khí tài chiến tranh của quân đội. Chi tiêu cho quốc phòng của các quốc gia hầu hết đều rất tốn kém cả về quy mô lẫn tỷ trọng so với GDP. Chiến tranh hiện đại có sức phá hoại cũng như mức tiêu hao ngày càng lớn do vậy chỉ có thực lực kinh tế hùng mạnh mới đảm bảo cho tiến hành chiến tranh đạt kết quả.
  • Bản thân thực lực kinh tế là nhân tố đảm bảo vị trí quốc tế của một quốc gia. Trong lịch sử, đặc biệt là lịch sử cận đại và hiện đại, các cường quốc có vai trò chi phối chính trị quốc tế đều là những nước có tiềm lực kinh tế hùng mạnh. Thực lực kinh tế cũng là biểu hiện đồng thời cũng là một nhân tố của năng lực cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Giao thông, thông tin liên lạc

Giao thông vận tảithông tin liên lạc vừa là hạ tầng của nền kinh tế trong hòa bình vừa là hạ tầng để tiến hành chiến tranh trong thời chiến. Nó đảm bảo cho con người, hàng hóa và tin tức lưu thông thông suốt trong nền kinh tế, quân đội, khí tài chiến tranh, đảm bảo hậu cần trong chiến tranh cũng như thu thập các thông tin một cách đầy đủ, kịp thời để ra quyết định. Trong điều kiện hiện nay, vai trò của thông tin ngày càng trở nên quan trọng và nhiều khi quyết định thành bại trong cả kinh tế lẫn tiến hành chiến tranh.

Chất lượng của chính phủ

  • Bản chất chính trị của chính phủ: chính phủ đại diện cho giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội, có đại diện cho đông đảo người dân của quốc gia hay không. Bản chất chính trị của chính phủ cũng được xem xét trên hai mặt đối nội và đối ngoại, một chính phủ có hợp lòng dân, hợp với các giá trị, xu thế của thế giới hay không ảnh hưởng đến vị thế quốc gia và thành bại trong chiến tranh vì chiến tranh là một sự tiếp nối của chính trị.
  • Trình độ luật hóa, dân chủ hóa của chính phủ: yếu tố này thể hiện ở mức độ hoàn thiện của hệ thống luật pháp trên các mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp, mức độ công khai, dân chủ và quyền lợi chính trị của người dân trong các cuộc bầu cử.
  • Cơ cấu và hiệu quả điều hành của chính phủ: thể hiện ở việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính phủ, cơ chế vận hành, hoạt động của chỉnh phủ. Bộ máy chính phủ quan liêu, cồng kềnh hay gọn nhẹ, nhạy bén, có hiệu quả quyết định hiệu lực quản lý của chính phủ.

Sức mạnh quân sự

Sức mạnh quân sự luôn là yếu tố cơ bản được tính đến trong chính sách quan hệ quốc tế và chính trị quốc tế. Sức mạnh quân sự là yếu tố then chốt trong chiến tranh và là yếu tố có tính chất răn đe khi không có chiến tranh. Sức mạnh quân sự thể hiện ở các mặt: số lượng và chất lượng quân đội; năng lực chi huy; trình độ lý luận quân sự và trang thiết bị, khí tài quân sự đặc biệt là những vũ khí có sức hủy diệt lớn.

Quan hệ đối ngoại

Quan hệ đối ngoại bao gồm nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng, văn hóa...Những nguyên tắc và kết quả của chính sách đối ngoại ảnh hưởng đến tương quan, vị thế của quốc gia đặc biệt là ngoại giao quốc phòng, nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ thể hiện ở các khám phá, phát minh, sáng chế; trình độ ứng dụng. Nó là nhân tố có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển nhờ tăng năng suất lao động đồng thời ảnh hưởng đến việc chế tạo, sử dụng các vũ khí, khí tài chiến tranh công nghệ cao, hiệu suất lớn.